Mức lương tối thiểu vùng năm 2018: Chưa ngã ngũ

  • 19/07/2017
  • 188

Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa có phiên họp đầu tiên để thương lượng phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2018 nhưng vẫn chưa thống nhất được phương án tăng lương.

Doanh nghiệp mong muốn người lao động chia sẻ với doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này bằng cách giảm mức tăng hoặc giãn thời gian tăng lương. Ảnh: Bùi Nụ.

 

 

Mức lương tối thiểu vùng năm 2017 được chốt tăng 7,3% (180.000 - 250.000 đồng) sau hai phiên thảo luận của Hội đồng tiền lương quốc gia. Theo tính toán của Bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia, mức tăng này đáp ứng được khoảng 93% mức sống tối thiểu của người lao động.

 
Đã có nhiều ý kiến xung quanh việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, trong đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc điều chỉnh mức lương tối thiểu hàng năm cần dựa trên tình hình thực tế của kinh tế trong và ngoài nước, bên cạnh đó cũng cần phải cân nhắc kỹ các yếu tố để có thể xây dựng tiêu chuẩn hợp lý không làm suy giảm đáng kể năng lực cạnh tranh quốc tế.

Đề xuất 5 mức tăng

Tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia, bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia đưa ra 3 phương án tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2018. Phương án thứ nhất là điều chỉnh bù mức tăng CPI (4%) và tăng thêm 1% theo mức tăng năng suất lao động. Theo đó, lương tối thiểu năm 2018 sẽ tăng từ 130.000 - 180.000 đồng, tỉ lệ tăng bình quân 5%. Phương án thứ hai là điều chỉnh bù mức tăng CPI (4%) và tăng thêm 2% theo mức tăng năng suất lao động. Theo đó, lương tối thiểu vùng năm 2018 tăng từ 160.000 - 220.000 đồng, tỉ lệ tăng bình quân 6%. Phương án thứ ba là điều chỉnh bù mức tăng CPI (4%) và tăng thêm 2,8% theo mức tăng năng suất lao động. Như vậy, lương tối thiểu vùng năm 2018 tăng từ 180.000 - 250.000 đồng, tỉ lệ tăng bình quân 6,8%.

Đại diện cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất phương án tăng lương tối thiểu ở mức tuyệt đối từ 370.000 đồng lên 450.000 đồng với mức tăng bình quân 13,3%.

Trái ngược với mức đề xuất của bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương quốc gia và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện cho bên sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại đưa ra hai phương án. Cụ thể, một là không nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, hai là chỉ nên ở mức 2 đến 3%, tối đa là mức 5%.

Với mức đề xuất thấp nhất, theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, là do nhiều hiệp hội đã đề xuất không tăng mức lương tối thiểu vùng trong năm 2018. Bởi theo một số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tương lai bất định của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, ảnh hưởng tới tiềm năng xuất khẩu. Do đó, nếu tăng hơn sẽ gây áp lực cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, từ năm 2007-2017, mức tăng lương tối thiểu đã tăng từ 7-12%, trong khi đó GDP tăng khoảng 6% và năng suất lao động chỉ tăng 2%. “Vì vậy, VCCI muốn lắng nghe ý kiến các bên và sẽ công bố đề xuất ở phiên họp tới đây”, ông Phòng cho biết thêm.

Với mức đề xuất điều chỉnh giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và VCCI quá chênh lệch, nên phiên họp thứ nhất thương lượng phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2018 của Hội đồng Tiền lương quốc gia vẫn chưa thống nhất được phương án.

Vì sao?

Hiện có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc tăng lương tối thiểu bởi doanh nghiệp mong muốn người lao động chia sẻ với doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này bằng cách giảm mức tăng hoặc giãn thời gian tăng lương. Về phía người lao động lại lo nếu cứ tiếp tục tăng mức lương tối thiểu vùng sẽ khiến nguy cơ mất việc tăng lên do gánh nặng về lương và bảo hiểm sẽ khiến doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Đồng thời, việc tăng lương tối thiểu vùng hàng năm cũng làm tăng chi phí cho người lao động của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp khó xây dựng quỹ để đổi mới công nghệ, dây chuyền máy móc.

Cho ý kiến về việc tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2018, ông Taiji Yanai, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cho rằng, việc tăng lương tối thiểu phải phù hợp với các chỉ số kinh tế, nếu không năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Năm ngoái, ở Việt Nam, tiền lương tối thiếu đã tăng bình quân 7,3%, cao hơn hẳn so với tỷ lệ tăng 2,6% của CPI. Dĩ nhiên việc tăng lương giúp người Việt Nam có đời sống tốt hơn và cũng là một nhân tố cần thiết để khuyến khích nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, những ngành đầu tàu trong nền kinh tế Việt Nam như ngành may mặc, giày da hay ngành công nghiệp gia công xuất khẩu lại chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự tăng này.

Đặc biệt, trong khảo sát đối với doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tại Việt Nam 75,5% doanh nghiệp đã trả lời rằng việc tăng tiền lương đang ảnh hưởng tới việc kinh doanh.

“Chúng tôi cũng hiểu là Chính phủ Việt Nam có phương châm nâng cao tiền lương cơ bản trong đó coi các nước khác của ASEAN làm chỉ tiêu như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philipinnes. Nhưng tiền lương tối thiểu trong khu vực 1 của Việt Nam hiện đang vượt quá các nước khu vực như Philipinnes, những năm gần đây, Malaysia, Thái Lan đã hạn chế tăng lương tối thiểu nên chênh lệch so với Việt Nam đang được rút ngắn lại. Ngoài ra, nếu bao gồm cả chi phí thuê lao động (chi phí bảo hiểm xã hội và phí công đoàn) vào lương tối thiểu thì đã đuổi kịp Thái Lan”, ông Taiji Yanai nhấn mạnh.  

Còn ông Colin Blackwell, Trưởng nhóm công tác nguồn nhân lực lại cho rằng, mức lương tối thiểu vừa được tăng nhẹ trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp hy vọng sẽ có hướng dẫn và thông báo cụ thể về mức tăng vừa phải trong tương lai nhằm giúp các công ty có thể quản lý chi phí, đồng thời gia tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh. Mức lương tối thiểu cũng là yếu tố rất quan trọng cho đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, cũng như kiểm soát lạm phát. Lộ trình tăng lương tối thiểu sắp tới nên tính đến chi phí nhân công khác như an sinh xã hội và các chi phí tương tự theo quy định về lao động. Đặc biệt, cần công khai phương pháp điều tra về tiêu chuẩn sinh hoạt cần thiết và công khai nội dung điều tra. Cho đến năm ngoái, khái quát điều tra vẫn chưa được công khai đầy đủ. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng phương pháp điều tra cụ thể và nội dung điều tra sẽ được công khai để chúng tôi có thể tham gia thảo luận mang tính xây dựng.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, về vấn đề tiền lương tối thiểu vùng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tính toán trên cơ sở nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, tiếp theo là điều kiện kinh tế xã hội, mặt bằng mức lương và đời sống chung của người lao động. Hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông qua khảo sát và đặc biệt là trao đổi với các hiệp hội doanh nghiệp đã cố gắng để giải quyết hài hòa, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển và mức sống tối thiểu của người lao động.

Nguồn: baohaiquan.vn