Tự nguyện... thất nghiệp

  • 18/07/2017
  • 157

Mới ra trường, chưa có kinh nghiệm nhưng luôn đòi hỏi công việc tốt, mức lương cao. Khi thấy không được như ý, những ứng viên này chủ động rút lui, chấp nhận cảnh thất nghiệp.

Không thích, tại sao phải “nhích”?
Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh một năm nay, Trần Phương (ngụ Q.2, TP.HCM) vẫn chưa tìm được công việc ổn định. Trái với vẻ thắc thỏm của bạn bè, Phương tự tin nói: “Mình còn trẻ, năng động, đâu thiếu các kỹ năng mềm, lại có vốn ngoại ngữ - tin học vững chắc, được đào tạo bài bản từ một trường ĐH lớn thì trước sau gì cũng có việc làm ngon lành. Mình không thích làm những công việc vô thưởng vô phạt. Tại sao ép bản thân phải “nhích” như bao người khác?”.
Hỏi Phương những lúc “ở không” như vậy, lấy gì nuôi sống bản thân, Phương phẩy tay: “Lo gì! Khi nào cần, gia đình mình sẽ trợ cấp ngay”.
Chị Nguyễn Lê Vân, 26 tuổi, sáng lập Trung tâm nghệ thuật Lollipop, hiện là trưởng phòng một đơn vị giới thiệu việc làm tại TP.HCM, chia sẻ: “Ngày trước mới ra trường, xin được việc làm là tụi tôi mừng gần chết. Còn bây giờ, việc làm cả đống nhưng nhiều bạn trẻ lại chê việc, bỏ việc”. Chị Vân cho biết mới đây, cơ quan chị tổ chức tuyển chọn ứng viên vào vị trí chăm sóc khách hàng. Trong số đó, chị “chấm” một bạn nữ tên L.M.N, cựu sinh viên ngành báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.
“Bạn ấy từng làm cho một số kênh truyền thông, nhưng chỗ nào cũng làm một thời gian ngắn là bỏ việc. Khi tôi phỏng vấn, bạn ấy nói bây giờ muốn ổn định, không muốn bay nhảy nữa vì trải nghiệm như vậy là đủ rồi. N. còn nói thời gian qua, bạn nhận ra mình thích nhất công việc tư vấn, chăm sóc khách hàng. Ngoài ra, N. đồng ý mức thu nhập ban đầu gần 7 triệu đồng/tháng”, chị Vân kể.
Sau đó, chị Vân giới thiệu N. gặp đại diện ban giám đốc. Lần này, N. tiếp tục gây ấn tượng tốt với người tuyển dụng cấp cao. “Lúc tôi gọi điện thoại thông báo N. đậu rồi và đầu tháng tới đi làm, N. có vẻ mừng. Vậy mà đến "giờ G", N. không đến chỗ làm và cũng chẳng thèm nói lại với nhà tuyển dụng một tiếng”, chị Vân than thở.
Trao đổi với chúng tôi, N. bộc bạch: "Lúc đó gia đình có việc. Em xin lỗi vì lúc đó đã không báo lại cho nhà tuyển dụng". N. cho hay hiện tại bạn đã tìm được công việc rất ưng ý ở nơi khác.
Tự nhận mình từng là một trường hợp thất nghiệp tự nguyện, N. bày tỏ: "Đây là vấn đề đang xảy ra trong nhiều người trẻ thời nay. Nhiều khi doanh nghiệp không đáp ứng được một số điều kiện của bản thân thì mình nên mạnh dạn từ chối ngay từ đầu, chứ không cố gắng gượng ép".
Không tận dụng cơ hội việc làm
Ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM, nhận xét: “Hiện nay, có khá nhiều sinh viên mới ra trường đánh giá sai về bản thân. Họ nghĩ mình học 4 - 5 năm ra thì phải kiếm một công việc xứng tầm, mức lương phải cao, môi trường thuận lợi”.
Theo ông Sang, trên thực tế người trẻ đi học chỉ nắm lý thuyết nên gặp nhiều lúng túng khi vào làm công việc cụ thể. Do không đáp ứng được yêu cầu công việc nên doanh nghiệp không thể trả mức lương theo yêu cầu, mà chỉ ở mức trung bình 5 - 7 triệu đồng/tháng. Từ đó, lao động trẻ có quan niệm từ từ đi tìm việc chứ không chịu hòa nhập để có kinh nghiệm. Và như vậy, họ để mai một những kiến thức mới học còn “nóng hổi” ở trường cũng như không tận dụng các cơ hội việc làm.
Ngoài ra, ông Sang cho biết còn có những người tự nguyện thất nghiệp theo thời vụ. Họ đi làm một thời gian, khi có tiền rồi thì nghỉ vài tháng để hưởng thụ cuộc sống, rồi tiếp tục đi tìm việc... “Tôi nghĩ rằng số liệu mấy trăm ngàn cử nhân thất nghiệp công bố gần đây là không chính xác. Ở khía cạnh trung tâm, tôi cho là không phải lao động trẻ không có việc làm mà do nhiều người tự nguyện thất nghiệp và ỷ lại vào gia đình”, ông Sang khẳng định.
Chị Nguyễn Lê Vân nhìn nhận thất nghiệp tự nguyện đang trở thành một xu hướng của người trẻ, dễ dẫn đến tình trạng khiến những bạn trẻ chỉ biết mình chứ không biết người khác.

Như Lịch

theo thanhnien.vn