Cử nhân đi làm massage: Chuyện không hiếm
- 17/07/2017
- 167
(Tin tức thời sự) - Câu chuyện cử nhân làm ở quán massage đã chứng minh sự bất cập trong công tác đào tạo cũng như giải quyết việc làm cho giới trẻ.
Mới đây, khi trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An ngày 13/7 về vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Nghệ An đã nêu ra một thực tế đáng buồn:
''Có em tốt nghiệp trường cao đẳng ra không tìm được việc làm phù hợp phải đi phục vụ ở quán cà phê hay có cử nhân đại học làm ở quán massage. Đây là thực tế có thật khi nhiều em không tìm được việc làm theo ngành nghề được đào tạo''.
Câu chuyện về cử nhân đi lái xe ôm, cử nhân giấu bằng đi xin việc, cử nhân đi phu hồ... và giờ là cử nhân làm ở quán massage đã chứng minh sự bất cập trong công tác đào tạo cũng như giải quyết việc làm cho giới trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước.
Ảnh minh họa |
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Văn Sơn (35 tuổi, Thanh Chương, Nghệ An), người từng làm quản lý một quán massage tại TP.Vinh cho biết, mặc dù quán kinh doanh lành mạnh nhưng khi nghe tới từ massage nhiều người đã nghĩ ngay tới một loại hình dịch vụ nhạy cảm. Và những người làm việc trong đó cũng bị xã hội nhìn bằng con mắt khác.
''Hầu hết nhân viên của quán đều có hoàn cảnh khó khăn, họ vượt qua những rào cản, những cái nhìn không thiện cảm của xã hội để kiếm bát cơm, trang trải cuộc sống.
Người thì bố mẹ đau ốm không có tiền chữa bệnh, người thì không có tiền nuôi con ăn học... Có những trường hợp học xong đại học ra trường mấy năm trời không tìm được một công việc phù hợp nên nhắm mắt đưa chân vào làm nhân viên của quán'', anh Sơn nói.
Theo anh Sơn, trường hợp người có bằng đại học xin vào làm tại quán massage không hiếm. Họ từng học tại các trường đại học ở Hà Nội hoặc ngay tại TP.Vinh, ra trường không xin được việc, rồi làm qua đủ các nghề nhưng không ăn thua. Khi áp lực cuộc sống đè nặng, họ không còn lựa chọn nào khác.
Anh Sơn nhớ tới một cô gái tên L. (26 tuổi, Đô Lương), cử nhân tại một trường kinh tế ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp L. đi tìm việc, nhưng không nơi nào chịu nhận một sinh viên mới ra trường, không có kinh nghiệm làm việc. Để duy trì cuộc sống và nuôi tiếp ước vọng thoát ly khỏi cảnh chân lấm tay bùn, L. làm những công việc bán thời gian, vừa làm vừa xin việc.
''Sau một thời gian dài L. vẫn không tìm được công việc mong muốn. Chán nản L. về Nghệ An xin vào làm nhân viên tại quán massage do tôi làm quản lý. Ban đầu L. chỉ nói là học hết cấp 2, muốn vào làm để gửi tiền về quê cho em trai đi học. Sau này, qua cách nói chuyện khá sâu sắc của L, tôi dò hỏi thì mới biết được em ấy từng học đại học.
L. rất chịu khó, giao tiếp tốt với khách hàng nhưng bình thường lại rất ít nói. Nghề này tuy nhạy cảm nhưng thu nhập khá cao, hơn hẳn những công việc tay chân nặng nhọc khác. Ngoài tiền lương nhận hàng tháng, họ còn có thêm tiền tip từ khách hàng, nếu họ biết cách nói chuyện và chiều lòng khách'', anh Sơn chia sẻ.
Trong vai một khách hàng, phóng viên liên hệ về quán massage S (TP.Vinh, Nghệ An) đặt vấn đề muốn được sử dụng dịch vụ của quán nhưng với điều kiện, nhân viên massage phải là người đã từng học qua đại học.
Ban đầu, quán khẳng định, không có nhân viên nào có trình độ đại học làm việc tại quán. Nhưng sau một hồi năn nỉ nhờ vả, trực máy của quán giới thiệu cho một cô gái tên M. từng học một trường khoa học xã hội ở Hà Nội. Cô gái này không phải nhân viên chính thức của quán, chỉ nhận làm khi rảnh rỗi.
''Chị này đi làm thất thường, hoặc chỉ khi có khách quen chị ấy mới tới. Nếu anh muốn đặt lịch thì phải gặp trực tiếp M. thống nhất quan điểm, nếu chị ấy ok thì sẽ chấp nhận phục vụ. M. rất biết cách nói chuyện nên nhiều khi khách đến chỉ với mục đích được tâm sự với chị ấy'', nhân viên quán massage S. giới thiệu.
Liên hệ vào số điện thoại của M, nhưng cô gái này cho biết, đang phải ôn luyện để thi học lên thạc sĩ nên từ chối tiếp khách và hẹn khi khác.
Bạch Dương
theo baodatviet.vn