Cảnh báo tình trạng xuất khẩu lao động 'chui'
- 13/07/2017
- 194
Malaysia và Thái Lan đang mạnh tay bắt giữ và trục xuất lao động nước ngoài bất hợp pháp hiện cư trú tại các nước này, thậm chí Malaysia còn thực thi chiến dịch trên phạm vi toàn quốc. Với số lao động bị bắt giữ lên tới hàng nghìn người/ngày, cho thấy tình trạng lao động “chui” ở một số quốc gia đang tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.
PV Báo Lao động đã có cuộc trao đổi với ông Tống Hải Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) - xung quanh vấn đề này. Ông Nam cho biết:
Lao đông nữ Việt Nam làm việc tại Malaysia. Ảnh: DOLAB
- Sự việc hơn 20 người thuộc nhiều địa phương Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Hải Phòng,… đi lao động “chui” sang Đài Loan (Trung Quốc) và bỏ mạng trên đường, sau hơn 3 tháng một số bắt đầu được đưa thi thể về quê hương. Đây là một vụ việc vô cùng đáng tiếc xảy ra đối với những công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không qua kênh tuyển mộ chính thống theo quy định của pháp luật Việt Nam và của nước tiếp nhận.
Tình trạng công dân Việt Nam tự do ra nước ngoài làm việc chủ yếu do các nguyên nhân: Thiếu hiểu biết các quy định của pháp luật, bị dụ dỗ lôi kéo với những lời mời hấp dẫn công việc tốt và thu nhập cao; được người thân tại nước ngoài giới thiệu nhưng không thực hiện các thủ tục đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật; lợi dụng chính sách miễn thị thực cho công dân Việt Nam tại một số quốc gia, sử dụng visa du lịch để ra nước ngoài sau đó ở lại làm việc trái phép; một số tổ chức, cá nhân dụ dỗ người lao động đưa ra nước ngoài làm việc trái phép; quản lý xuất nhập cảnh chưa chặt chẽ tại một số địa phương có cửa khẩu quốc tế, địa hình hiểm trở khó kiểm soát,…
Vậy Cục có những cảnh báo gì với người lao động?
- Việc công dân Việt Nam ra nước ngoài theo các kênh không chính thống rồi ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro, trước hết là nguy cơ không tìm được việc làm, trở thành người cư trú bất hợp pháp, bị bắt giam, phạt tiền và bị trục xuất nếu bị phát hiện.
Bên cạnh đó, do không có đầy đủ thông tin về người sử dụng lao động, điều kiện làm việc, sinh hoạt, thiếu hiểu biết về văn hóa, tập quán của nước đến, không được trang bị kỹ năng làm việc, rèn luyện về tay nghề và ngoại ngữ nên những công dân này rất dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, bị cưỡng bức lao động nhưng lại không được luật pháp nước sở tại thừa nhận và bảo vệ.
Ngoài ra, do công dân tự do đi làm việc ở nước ngoài không đăng ký với các cơ quan chức năng của Việt Nam, không đăng ký công dân tại cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam tại nước mà họ đến làm việc nên trong trường hợp gặp khó khăn, có phát sinh các vụ việc trong thời gian cư trú và làm việc ở nước ngoài, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ rất khó trong việc tiếp cận, nắm bắt tình hình, tư vấn hỗ trợ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế.
Để hạn chế tình trạng này, từ năm 2013, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có công văn số 1842/QLLĐNN-PCTH gửi các Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để khuyến cáo các địa phương về tình hình và cảnh báo các địa phương về việc công dân ra nước ngoài bằng visa du lịch rồi ở lại làm việc bất hợp pháp; đồng thời, đề nghị các sở kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động đi làm việc ở nước ngoài của công dân tại địa phương, trên cơ sở đó nhằm phát hiện các tổ chức, cá nhân không có chức năng tiến hành môi giới, tuyển chọn, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép để chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.
Riêng lao động các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc, Cục tham mưu để Bộ góp ý kiến đối với các Thỏa thuận về quản lý lao động qua biên giới giữa các địa phương của Việt Nam và Trung Quốc.
- Xin cảm ơn ông!
Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam Phạm Đỗ Nhật Tân: “Phải đổi mới phương thức tuyên truyền”
Ông Tân cho rằng, công cụ truyền thông, các phương pháp hiện dùng và cả nội dung tuyên truyền về các nguy cơ của tình trạng XKLĐ “chui” vẫn chưa đến được nơi cần thiết, đặc biệt là vùng khó khăn, biên giới, đối tượng trình độ thấp,… Phải đổi mới phương thức truyền thông, tuyên truyền và nâng cao vai trò của chính quyền cơ sở.
Vai trò của cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài cũng phải được nâng cao thông qua việc bảo vệ quyền công dân ngay cả khi họ không phải lao động hợp pháp. Nên có thỏa thuận cấp quốc gia với lao động bất hợp pháp sẽ xử lý như thế nào. L.P
Nguồn: baomoi.com